Các khu định cư eo biển (1826–1867) Lịch_sử_Singapore

Thiên Phúc cung hoàn thành năm 1842, đây là một địa điểm thờ phụng của người nhập cư ban đầu.

Chính phủ Hà Lan nhanh chóng kháng nghị với Anh Quốc về việc xâm phạm khu vực ảnh hưởng của Hà Lan. Tuy nhiên, do Singapore nhanh chóng nổi lên là một thương cảng quan trọng, Anh Quốc củng cố yêu sách của mình về đảo. Hiệp định Anh-Hà Lan 1824 củng cố vị thế của Singapore là một thuộc địa của Anh Quốc, chia cắt quần đảo Mã Lai giữa hai cường quốc thực dân mà theo đó khu vực phía bắc của eo biển Malacca, kể cả Singapore, nằm trong khu vực ảnh hưởng của Anh Quốc. Năm 1826, Singapore cùng với Penang và Malacca hợp thành Các khu định cư Eo biển, do Công ty Đông Ấn Anh quản lý. Năm 1830, Các khu định cư Eo biển trở thành một residency, hay phân khu, của khu quản hạt Bengal thuộc Ấn Độ thuộc Anh.[15]

Trong những thập niên sau đó, Singapore phát triển thành một cảng quan trọng trong khu vực. Thành công này có nhiều nguyên nhân, bao gồm mở cửa thị trường tại Trung Quốc, sự xuất hiện của tàu hơi nước viễn dương, và sản xuất cao su và thiếc tại Malaya.[16] Vị thế là một cảng tự do tạo lợi thế quyết định cho Singapore so với các đô thị cảng thuộc địa khác là Batavia (Jakarta) và Manila- những nơi áp thuế quan, và nó thu hút nhiều thương nhân người Hoa, Mã Lai, Ấn Độ, và Ả Rập hoạt động tại Đông Nam Á đến Singapore. Việc khánh thành kênh đào Suez vào năm 1869 sẽ thúc đẩy hơn nữa mậu dịch tại Singapore. Năm 1880, trên 1,5 triệu tấn hàng hóa thông qua Singapore mỗi năm, với khoảng 80% hàng hóa được vận chuyển trên những tàu hơi nước.[17] Hoạt động thương nghiệp chính là mậu dịch trung chuyển, ngành này thịnh vượng trong môi trường không bị đánh thuế và có ít hạn chế. Nhiều nhà buôn được thiết lập tại Singapore, chủ yếu là bởi các hãng buôn châu Âu, song cũng có các thương nhân Do Thái, Trung Hoa, Ả Rập, Armenia, Hoa Kỳ, và Ấn Độ. Cũng có nhiều thương nhân trung gian người Hoa, họ xử lý hầu hết trao đổi mậu dịch giữa các thương nhân châu Âu và châu Á.[15]

Đến năm 1827, người Hoa trở thành dân tộc lớn nhất tại Singapore. Họ bao gồm những người Peranakan là hậu duệ của những người Hoa định cư ban đầu, và những phu người Hoa kéo sang Singapore để thoát khỏi khó khăn kinh tế tại Hoa Nam. Số lượng người Hoa tăng lên nhờ những người chạy trốn tình trạng rối loạn bắt nguồn từ Chiến tranh Nha phiến thứ nhất (1839 – 1842) và Chiến tranh Nha phiến thứ hai (1856 – 1860). Nhiều người đến Singapore với thân phận lao công khế ước bần cùng hóa và họ chủ yếu là nam giới. Người Mã Lai là dân tộc lớn thứ hai cho đến thập niên 1860, họ làm việc trong các lĩnh vực ngư nghiệp, thủ công nghiệp, hoặc là những người làm công ăn lương trong khi tiếp tục sống chủ yếu trong những kampung (làng). Đến năm 1860, người Ấn Độ trở thành dân tộc lớn thứ hai. Nhóm người này gồm có các lao động không làng nghề, thương nhân, và những tù nhân bị đưa đến để thực hiện các dự án công trình công cộng như phát quang rừng rậm hay làm đường. Cũng có các binh sĩ Sepoy người Ấn Độ được Anh Quốc đưa đến đồn trú tại Singapore.[15]

Bất chấp tầm quan trọng ngày càng tăng của Singapore, chính phủ quản lý đảo ở trong tình trạng thiếu nhân sự, không hiệu quả và không quan tâm đến phúc lợi của dân cư. Các quản trị viên thường được phái từ Ấn Độ và không quen thuộc với văn hóa và ngôn ngữ địa phương. Trong khi dân số tăng gấp bốn lần từ năm 1830 đến năm 1867, thì quy mô dịch vụ công tại Singapore vẫn bất biến. Hầu hết mọi người không tiếp cận được với các dịch vụ y tế công và những dịch bệnh như tảđậu mùa làm trầm trọng vấn đề y tế, đặc biệt là trong các khu vực đông đúc của tầng lớp lao động.[15] Như một hậu quả của việc chính phủ thiếu năng lực và dân cư chủ yếu là nam giới, tạm thời, và bản chất vô học, xã hội không có luật pháp và hỗn loạn. Năm 1850, chỉ có 12 sĩ quan cảnh sát trong thành phố với gần 60.000 dân. Mại dâm, cờ bạc, và lạm dụng ma túy là những hiện tượng phổ biến. Các bang hội tội phạm của người Hoa vô cùng hùng mạnh, và một số bang hội có hàng vạn thành viên. Những cuộc chiến đấu tranh giành địa bàn giữa các bang hội đối địch đôi khi khiến cho hàng trăm người thiệt mạng và các nỗ lực nhằm áp chế họ có kết quả hạn chế.[18]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lịch_sử_Singapore http://www.channelnewsasia.com/casino/text_pmlee.h... http://www.channelnewsasia.com/stories/singaporelo... http://www.forbes.com/work/feeds/afx/2005/11/11/af... http://orbat.com/site/history/historical/malaysia/... http://www.seaarchaeology.com/v1/html/sg/fort_cann... http://www.singapore-elections.com/be1981/ http://inic.utexas.edu/asnic/countries/singapore/S... http://wayback.archive.org/web/20060903091054/http... http://wayback.archive.org/web/20070323095958/http... http://web.archive.org/web/20041210194736/http://w...